Kiến trúc Chùa_Láng

Cổng chùa ngoài cùng bao gồm bốn cột vuông với ba mái cong không chùm lên cột mà gắn vào sườn cột, mái giữa cao hơn hai mái bên, hơi giống kiến trúc cổng ở cung vua phủ chúa ngày xưa, trên cổng có tấm hoành phi lớn đề chữ " Thiền Thiên Khải Thánh ". Qua cổng là một sân lát gạch Bát Tràng, giữa sân là chiếc sập đá, nơi đặt kiệu trong các ngày lễ hội. Cuối sân có cửa tam quan. Từ đây có con đường lát gạch, hai bên là hàng muỗm cổ thọ cả gần ngàn tuổi dẫn đến cổng thứ ba.

Qua cổng này ở giữa có ngôi nhà bát giác nơi đặt tượng của Từ Đạo Hạnh. Qua nhà bát giác này mới đến các công trình chính trong chùa: bái đường, nhà thiêu hương, thượng điện, các dãy hành lang, nhà tổ và tăng phòng...

Động thập điện Diêm Vương ở hai đầu đốc tòa tiền đường khá đẹp, miêu tả những hình phạt ở các tầng địa ngục.

Đây là một trong những ngôi chùa có số lượng tượng thờ nhiều nhất Hà Nội và cả Việt Nam, gồm 198 pho tượng. Cơ Bản gồm có: Khuyến thiện, Trừng Ác, Tứ Đại thiên Vương, Chuẩn đề, Phạm thiên, Đế Thích, Cửu Long Phún Thủy, Thập bát La hán, Lịch Đại Tổ Sư, Tam Tòa Thánh Mẫu, Tứ Vị Vua Bà,...

Ngoài các tượng Phật ở thượng điện, trong hậu cung còn có tượng nhà sư Từ Đạo Hạnh và tượng vua Lý Thần Tông. Tượng Từ Đạo Hạnh làm bằng mây đan phủ sơn còn tượng Lý Thần Tông làm bằng gỗ mít.

Vì được trùng tu nhiều lần, trong chùa không còn dấu tích của các kiến trúc di vật cổ. Tấm bia cổ nhất còn lại ở đây được dựng năm Thịnh Đức thứ 4 (1656) nhà Hậu Lê. Văn bia do tiến sĩ Nguyễn Văn Trạc viết.

Vẻ bề thế của quần thể kiến trúc hài hòa, cân xứng với không gian thoáng đãng khiến cho chùa Láng đã từng được coi là "đệ nhất tùng lâm" ở phía Tây kinh thành Thăng Long xưa.